“Nhượng quyền thương mại là cơ hội kinh doanh thời khủng hoảng”



Giám đốc điều hành Công ty Asiawide Franchise, Albert Kong, một chuyên gia về nhượng quyền thương mại ở Châu Á, cho rằng để franchise thành công phải chọn thời điểm thích hợp. Việt Nam đang ở bối cảnh thuận lợi ấy.
Có mặt ở TP.HCM để chuẩn bị cho một hội thảo về nhượng quyền thương mại (franchise) vào ngày 18/12, ông Albert Kong cho biết, theo số liệu nghiên cứu của Asiawide Franchise ở nhiều nước, cứ trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, lượng doanh nghiệp tham gia vào kinh doanh nhượng quyền tăng hơn bình thường.

Kinh nghiệm 15 năm hoạt động trong lĩnh vực nhượng quyền, ông Kong cho rằng, để franchise thành công, vấn đề là chọn thời điểm nào bắt đầu. Ví dụ, nhiều năm trước nhà bán thức ăn nhanh Kentucky làm cuộc đổ bộ vào Hồng Kông nhưng thất bại vì người tiêu dùng không quen với món gà rán KFC. Thế nhưng trong khủng hoảng kinh tế Châu Á 10 năm trước, một thế hệ trẻ đặc khu kinh tế này học ở nước ngoài trở về mang theo lối sống mới từ Châu Âu, trong đó có sử dụng fastfood. Đúng thời điểm này, thương hiệu thức ăn nhanh Pacific nhảy vào thị trường và nhanh chóng thành công ở Hồng Kông.

Trao đổi với báo giới, dự báo sẽ bùng nổ nhu cầu nhượng quyền thương mại tại VN, ông Albert Kong nói: “Có 3 lý do chính để franchise trở thành cơ hội kinh doanh khi khó khăn”.

Thứ nhất, khủng hoảng kinh tế khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, nhiều nhà đầu tư tìm cơ hội kinh doanh trong khi nhượng quyền sẽ giảm rủi ro cho doanh nghiệp. Kế đến, thị trường chứng khoán gặp khó khăn, mức độ tiếp cận tín dụng bị hạn chế do ngân hàng siết chặt cho vay…, thì franchise là lựa chọn tốt cho các nhà đầu tư có nguồn vốn tự lực.

“Vấn đề vướng lớn nhất ở thị trường VN là quản lý sở hữu trí tuệ khi nhượng quyền thương mại. Đây cũng là kinh nghiệm franchise của thương hiệu cà phê Trung Nguyên hơn chục năm qua”, ông Albert Kong nói.

Trong khi đó nhiều doanh nghiệp VN cũng đang ngấp nghé tính chuyện nhượng quyền thương hiệu, nhất là trong thời điểm thị trường bán lẻ mở cửa hoàn toàn vào đầu năm 2009, nhưng chưa đủ tiềm lực thực hiện.

Bà Ngô Lệ Thu, Phó Tổng giám đốc kinh doanh Tổng Công ty thương mại Sài Gòn (Satra) cho biết, tập đoàn này đang có nhiều tiềm năng để franchise các thương hiệu có tiếng của Satra. Tuy nhiên mỗi thương hiệu lại có ưu và nhược điểm riêng cần phải xây dựng một mô hình chuẩn và đăng ký sở hữu trí tuệ trước khi nhượng quyền.

Satra là tổng công ty thương mại hiện sở hữu nhiều thương hiệu lớn của TP.HCM, đặc biệt là trong ngành thực phẩm như Vissan, Agrex…

Theo bà Thu, Công ty kỹ nghệ súc sản Sài Gòn (Vissan) có một hệ thống cửa hàng phân phối và bán lẻ trải trên cả nước nên rất thích hợp để nhượng quyền thương mại. Tuy nhiên phần lớn cửa hàng Vissan còn sơ sài, cần phải nâng cấp và hoạt động theo một mô hình chuẩn. “Đây là nhược điểm khiến Vissan chưa thể franchise ngay được mà cần một nhà tư vấn nhượng quyền chuyên nghiệp”, bà Thu nói.

Công ty cổ phần thực phẩm nông sản xuất khẩu Sài Gòn (Agrex) lại gặp một khó khăn khác. Đại diện công ty này cho biết, Agrex xuất khẩu hàng đi các nước Châu Âu rất nhiều nhưng hiện tại lại chưa hình thành một hệ thống cửa hàng nội địa. Do đó, muốn nhượng quyền, trước tiên Agrex phải xây dựng hệ thống cửa hàng chuẩn.

Giám đốc kinh doanh Satra Đào Ngọc Tâm cho rằng, nền kinh tế hiện có nhiều bất trắc, kinh doanh nhượng quyền là lựa chọn tối ưu cho nhà đầu tư, đặc biệt là với các thương nhân khởi nghiệp. Đó cũng là lý do để Satra ký với Asiawide Franchise một hợp đồng hợp tác tư vấn kinh doanh nhượng quyền để nối kết đưa thương hiệu đủ mạnh trong nước chào bán ra nước ngoài và ngược lại.

Theo Vnexpress